Mục tiêu của bảo hiểm

Hiện nay đất nước đang trong giai đoạn chuyển biến tích cực, đặc biệt là sự gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), chuyến thăm của Chủ tịch nước ta đến đất nước Hoa Kỳ kể từ năm 1975 đến nay vào tháng 06/2007 đã mở ra quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ giàu mạnh bậc nhất Thế giới. Kinh tế phát triển, chính trị xã hội ổn định là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy nền y học, dân trí phát triển; Song song đó, những chính sách của Đảng và Nhà nước, hệ thống Luật pháp phải ngày càng hoàn thiện hơn, có mục tiêu rõ ràng hơn, trong số đó Chính sách BHYT cũng không nằm ngoài quy trình.

Thị trường BHYT ở Việt Nam khá non trẻ, đặc biệt là bảo hiểm trong lĩnh vực sức khỏe. Về chăm sóc sức khỏe thì chỉ có một số ít công ty thực hiện ở phạm vi hẹp như: bảo hiểm phẫu thuật nằm viện, bảo hiểm toàn diện cho học sinh.

Với đại đa số người dân Việt Nam, bảo hiểm nói chung, BHYT nói riêng vẫn còn là lĩnh vực xa lạ. Do vậy, việc tuyên truyền giới thiệu chính sách này từ những người am hiểu là cần thiết. Đây là thách thức lớn cho đội ngũ những người làm bảo hiểm và là cơ hội để người dân được khám chữa bệnh công bằng thông qua hình thức BHYT.

Hoạt động BHYT chịu sự tác động trực tiếp của thị trường lao động hay cụ thể hơn là việc làm và thu nhập của người lao động. Vì vậy, để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân thì cần phải quan tâm đến vấn đề dân số, lực lượng lao động và thu nhập.

Dân số nước ta năm 2005 khoảng 82,1 triệu người và năm 2010 khoảng 88,4 triệu người. Tốc độ tăng dân số khoảng 1,02-1,05% năm. Dân số trong độ tuổi lao động năm 2005 đạt 51,9 triệu; năm 2010 đạt 57,2 triệu. Mức tăng dân số trong độ tuổi lao động hàng năm khoảng 1,1 triệu người (1,05% năm).

Lực lượng lao động cả nước năm 2005 đạt 42,7 triệu; năm 2010 đạt 48,2 triệu. Mức tăng lực lượng lao động hàng năm đạt từ 0,8-1,0 triệu người bằng 1,8-2%.

Tổng số người dự kiến được bố trí việc làm năm 2005 là 42,4 triệu người và năm 2010 là 47,8 triệu người. Lực lượng lao động trong nông thôn còn lớn, nhưng tỷ trọng có xu hướng giảm dần. Lực lượng lao động nông thôn năm 2005 đạt 31,4 triệu, chiếm tỷ trọng 66,5%; năm 2010 đạt 32,8 triệu người, chiếm tỷ trọng 61,5%. Cũng theo dự báo, lao động làm công ăn lương chỉ chiếm 22,8% – tương đương 9,27 triệu lao động năm 2004 và tăng lên 26,185 – tương đương 12,5 triệu lao động năm 2010- những người này thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc .

Trong khi đó từ năm 2004-2010 nước ta có từ 32 đến 35 triệu lao động (chiếm khoảng từ 73 đến 78% nguồn lao động xã hội) là lao động tự tạo việc làm, lao động tự do trong các ngành kinh tế khác nhau, nhất là trong nông, lâm, ngư nghiệp.